Kami - Vì sao chưa thể có một biến cố như Tunisia ở Việt nam
09.02.2011
"Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công"
Mấy ngày cuối tháng 1/2011 vừa qua, các sự kiện biến động về chính trị ở các nứơc Bắc Phi như Tunisia, Ai cập... cũng gây nên sự quan tâm không ít cho những ai quan tâm tới tình hình chính trị và cũng không ít người cũng thầm có mong muốn sẽ một ngày nào đó các sư kiện tương tự như vậy sẽ hiện diện ở ngay tại Việt nam. Nhưng đa số trong số đó còn hoài nghi về khả năng của các cuộc cách mạng mầu sắc đó ở Việt nam bởi lý do sự lớn mạnh của các tổ chức hội đoàn chính trị đối lập và tôn giáo chưa có khả năng đáp ứng, cũng như dân trí của người dân trong nước mà theo họ có lẽ chưa có đủ khả năng đáp ứng khi có cơ hội xảy ra. Bởi những suy nghĩ đó cũng đã tạo nên sự thất vọng của một số đông người khi họ tự đặt ra câu hỏi "Tại sao Việt nam không có?"
Cũng như mỗi khi nhắc đến sự hạn chế của tính dân chủ trong xã hội hiện tại dưới sự cai trị của các nhà nước độc tài cộng sản như Việt nam, Trung quốc, Cu ba v.v... người ta hay đổ tội cho nền truyền thông ở các quốc gia đó đã ngu dân bằng cách bưng bít thông tin, thông tin một chiều hay chính quyền đã hạn chế quyền tự do tiếp nhận thông tin và quyền ngôn luận của công dân. Với dẫn chứng là ở các nước đó, chính quyền không chỉ cấm báo chí tư nhân mà việc kiểm duyệt các thông tin dưới mọi hình thức cũng hết sức gắt gao. Từ lập luận đó hình như đã dẫn tới một sự hiểu lầm trên diện rộng, đặc biệt là đối với các cá nhân có xu hướng ủng hộ công cuộc đấu tranh cho dân chủ trên mạng internet luôn có quan niệm rằng, nếu phá vỡ được thế độc quyền về thông tin của chế độ cầm quyền đồng thời nếu tạo điều kiện cho nhân dân mọi tầng lớp được tiếp nhận đầy đủ chính xác và nhanh chóng các thông tin trung thực là có thể dần dần cải thiện dân trí xã hội để tạo điều kiện cho một cuộc cải cách ở các mức độ khác nhau, cao nhất có thể là cách mạng Nhung, cách mạng Cam, cách mạng hoa Lài v.v... để thay đổi chế độ cầm quyền hiện tại.
Liệu quan niệm đó có đúng và chính xác hay chưa hay nó còn phụ thuộc vào các yếu tố nào khác mới đảm bảo sự thành công?
1. Sai lầm chung về truyền thông khi nghĩ rằng nếu có tự do thông tin là đủ và sẽ có cách mạng.
Xét về mặt lý thuyết những điều đó có thể đúng, nhưng đừng quên khi người ta cho rằng tự truyền thông không thể tạo nên một cuộc cách mạng dân chủ, nhưng không có một hệ thống truyền thông tốt thì cách mạng khó mà thành công. Nghĩa là truyền thông chỉ là điều kiện cần và đủ, mà quan trọng nhất phải là vấn đề tổ chức của các nhà lãnh đạo phong trào, các đảng phái và tổ chức chính trị. Xin được dẫn một ví dụ về tự do tiếp nhận thông tin đa chiều không hạn chế ở nước Cộng hoà DCND Lào, hy vọng điều này giúp chúng ta các thành viên các mạng xã hội và đặc biệt là các vị đang là thành viên của các chính đảng chính trị, các hội đoàn xem xét lại một cách nghiêm túc lối suy nghĩ còn chưa thật đúng này.
Ai đã từng tới nước Lào sẽ có thể thấy nhân dân Lào hàng ngày sống trong một môi trường xã hội mà quyền tiếp nhận thông tin tự do tuyệt đối ở mức cao. Cũng vì do truyền thống văn hóa và phong tục tập quán của dân Lào hết sức gần gũi với truyền thống văn hoá của dân nước Thái lan láng giềng, gần gũi tới mức nhân dân hai nước gọi là mối quan hệ có cùng chung ngôn ngữ, tôn giáo và chữ viết...giống như nhau tới 80%, nghĩa là người Lào và người Thái có thể giao tiếp với nhau rất dễ dàng trong cuộc sống hàng ngày kể cả việc tiếp thu các thông tin qua hệ thống truyền hình hay sóng radio. Cũng cần nhắc tới một điểm quan trọng, đó là do điều kiện địa lý của nước Lào chạy dài, có sông Mê kông là biên giới giữa Lào và Thái lan, cộng với dân số của nước Lào ít chủ yếu tập trung ở các thị xã hay thành phố giáp với sông Mê kông đối diện với các thành phố thị xã của Thái lan.
Do sự gần gũi như vậy, nên trong cuộc sống thường ngày về mặt thông tin thì hầu hết (90%) người dân Lào đều dùng các kênh truyền hình của Thái lan thường xuyên để xem các chương trình tin tức, thời sự, phim ảnh, các game show v.v... vì tính hấp dẫn của các chương trình. Trong nhiều đợt sang công tác hay du lịch ở Lào mấy năm gần đây, tôi có ý tìm hiểu về nhận thức của những người dân Lào về suy nghĩ của họ trong việc so sánh giữa chế độ độc đảng ở Lào và chế độ tự do dân chủ, đa đảng ở Thái lan thì có nhận xét chung về nhận thức của mọi thành phần dân chúng khá cao, họ đều hiểu và có một nhận xét chung là nước Thái văn minh, dân chủ hơn Lào cũng bởi họ (Thái lan) có sự cạnh tranh về kinh tế và chính trị, đặc biệt là sự ủng hộ của Mỹ. Đặc biệt giới trẻ ở Lào hầu hết đều có ước muốn được sang sống, làm việc và định cư tại Thái lan bởi một nghịch lý, đó là thu nhập tiền lương của người lao động cùng ngành nghề ở Thái lan cao hơn Lào khoảng 3 lần, nhưng giá cả hàng hoá và dịch vụ ở Thái lan thì lại thấp hơn tại Lào khoảng 50%.
Khi hỏi họ rằng ông (bà) có muốn nước Lào của các bạn phát triển như nước Thái lan hay không? Họ trả lời là: Rất muốn, nhưng chẳng biết làm thế nào? Tôi bảo họ rằng muốn có được thì cần phải có cạnh tranh lành mạnh trong kinh tế, có sự đầu tư và hợp tác với nước ngoài, đặc biệt là phải có đa đảng chính trị để thi đua nhau làm tốt hơn, thế bạn có muốn thế không? Câu trả lời của chung đa số họ là: Muốn, nhưng ai làm thì làm, mình ngại, sống thế này quen rồi.
Tóm lại dù có được một môi trường thông tin hoàn toàn tự do (không cố ý) như ở Lào, mà không có các yếu tố khác mang tính kích thích sự đòi hỏi và thách thức của dân chúng đối với nhà cầm quyền là nhu cầu cần thiết và bức bách, thì đại bộ phận dân chúng sẽ chấp nhận sống chung với "lũ", điều đó sẽ khó hình thành được một sự đòi hỏi cải cách ở mức cao của dân chúng để rồi mọi ngưòi đồng lòng cùng xuống đường.
2. Một cuộc cách mạng màu sắc nhằm thay đổi chế độ hiện tại ở Việt nam chưa là nhu cầu bức thiết của đa số dân chúng
Câu trả lời của những người dân Lào cũng y hệt tâm trạng và suy nghĩ hơi ích kỷ của bà con ta trong nước hiện nay, đó là cũng mong có sự thay đổi ở thượng tầng kiến trúc để đất nước có điều kiện phát triển nhanh, mạnh, vững chắc như các nước khác. Nhưng hầu như tất cả họ lại coi đó là việc của người khác, nếu được (thành công) thì cùng hưởng, không được thì chẳng mất mát gì bởi họ quen chịu khổ rồi, theo họ so với trước đây bây giờ dễ chịu hơn nhiều.
Quan trọng hơn cả là đa số người dân, kể cả các tầng lớp trí thức, sinh viên học sinh cũng chưa hiểu giá trị thực chất của một xã hội dân sự, một nhà nước pháp quyền đang tồn tại ở các nước phát triển khác, mà họ có một quan niệm chung rằng các hành xử của đảng CSVN hay chính quyền hiện nay kể cả việc độc đoán hay tham nhũng là chuyện đương nhiên của bất kỳ nhà cầm quyền ở mọi quốc gia. Chính vì nguyên nhân này mà đa số dân, đặc biệt là tầng lớp khá giả, trung lưu hay viên chức nhà nước kể cả công an và quân đội thường có quan niệm dùng tiền để đổi lấy các sự thuận tiện cho bản thân và gia đình họ trong cuộc sống đời thường như trong các dịch vụ xã hội, kể cả vấn đề pháp lý cũng vậy. Những suy nghĩ kiểu này đang trở thành trào lưu khiến đa số dân chúng có xu hướng quan tâm nhiều vào việc kiếm tiền mà ít để ý tới chuyện chính trị, vì họ không nghĩ giải quyết bằng chính trị là cách làm hiệu quả nhất trên phạm vi cải thiện cho toàn xã hội.
Tựu chung là những đòi hỏi về sự thay đổi đối với đa số quần chúng trong nước chưa thực sự là nhu cầu bức bách, có cũng được mà không có cũng chưa sao.
3. Công tác tổ chức xây dựng, tổ chức lực lượng nòng cốt trong nứơc của các tổ chức hội đoàn chính trị, tôn giáo không được chú ý coi trọng cả về bề rộng và chiều sâu
Thử hỏi với suy nghĩ của dân chúng trong nước hiện nay ở Việt nam như vậy, thì việc mỗi cá nhân chúng ta hay các tổ chức chính trị, hội đoàn chỉ chú trọng việc tuyên truyền các thông tin cần thiết thông qua việc sử dụng mạng internet là phương tiện chủ yếu có tỷ lệ người sử dụng không cao hòng nâng cao dân trí xã hội như hiện nay đã có thể đáp ứng cho việc quần chúng sẵn sàng tham gia các sự kiện bùng phát bất ngờ có thể có như sự kiện ở Bắc giang xảy ra trong năm 2010 hay ở Bắc Phi hay Trung Đông mấy ngày đầu năm 2011 được hay không?
Câu trả lời chắc chắn là không, vì ngoài yếu tố còn thiếu một đội ngũ lãnh đạo cho một cuộc xuống đường quy mô lớn có hội đủ các yêu cầu cần thiết, thì quan trọng nhất là phong trào dân chủ hiện tại chưa có lực lượng nòng cốt được tổ chức quy mô cả về bề rộng và chiều sâu. Hãy nhìn vào công tác tổ chức của đảng CS Đông dương (tiền thân của đảng CSVN, Việt nam Quốc dân đảng... nói riêng hay của Mặt trận Việt minh một tổ chức đoàn kết dân tộc) trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 thì thấy các tổ chức đó có hệ thống tổ chức chặt chẽ theo chiều sâu từ trung ương tới địa phương (tỉnh đảng bộ, huyện đảng bộ, chi bộ các xã và các tổ đảng cấp dưới) trên diện rộng hầu hết trên tất cả các tỉnh thành trong cả nước, chỉ với vẻn vẹn 5.oo0 đảng viên mà họ đã đồng loạt thực hiện mệnh lệnh từ trên xuống trong điều kiện thông tin hết sức hạn chế và đã thành công. Đó là yếu tố cơ bản quan trọng nhất có tính quyết định sự thành công của mọi cuộc xuống đường của quần chúng nhân dân khi mà sự thay đổi đã là yêu cầu bức bách phải có của mỗi người dân.
Đừng quên rằng trong thời đại công nghệ thông tin hiện đại như ngày nay so với trước kia là một ưu thế lớn trong việc truyền tải thông tin và để nhân rộng lực lượng của các tổ chức chính trị, nó sẽ rút ngắn thời gian chuẩn bị nhưng không có nghĩa là nó có thể thay thế cho việc xây dựng tổ chức bằng con người cụ thể ở trong nước theo cách cũ. Đó là phải gần dân, sâu sát với dân và đích hướng tới đặc biệt là các đối tượng lão thành cách mạng đặc biệt là các tướng lĩnh, các cựu lãnh đạo đảng và nhà nước đã nghỉ hưu, các trí thức cấp tiến, cựu chiến binh, nhân dân lao động nghèo ở nông thôn, thành thị, các khu công nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học và dạy nghề là địa bàn quan trọng cần phải nhằm tới. Nên áp dụng hình thức theo mô hình hình tháp nhiều nhóm nhỏ để nhân rộng lực lượng khắp nơi trong cả nước để chờ thời cơ và hiệu lệnh phát ra trên các máy điện thoại di động hay trên mạng internet tại các mạng xã hội Facebook, Twitter, Multiply v.v.. để cùng đồng tâm, đồng lòng và đồng loạt. Các cuộc nổi dậy trong quá khứ kiểu như đã từng xảy ra ở Thái bình, Đồng Chiêm, Bắc giang ... sẽ là những cuộc tập dượt ở mỗi địa phương chẩn bị cho một cuộc cách mạng quy mô trên toàn quốc khi có tời cơ chín mùi.
4. Thiếu một Mặt trận liên minh đoàn kết dân tộc để đoàn kết và thu hút quần chúng người Việt nam trong và ngoài nước làm trung tâm lãnh đạo.
Các đảng phái, hội đoàn hay các tổ chức của lực luợng đấu tranh cho dân chủ hiện nay ở Việt nam hiện tại còn quá manh mún, thiếu tổ chức và đơn lẻ, đặc biệt là thiếu sự kết hợp giữa các tổ chức chính trị, tôn giáo trong một tổ chức rộng lớn mang tính chất một Mặt trận đoàn kết dân tộc để đoàn kết và thu hút quần chúng người Việt nam trong và ngoài nước, không phân biệt giai cấp, thành phần hay tín ngưỡng với mục đích chung là xoá bỏ chế độ độc tài toàn trị của đảng CSVN để thiết lập một trật tự xã hội mới với một nhà nước pháp quyền, một xã hội dân sự và một nền kinh tế thị trường tự do. Đây phải được coi là một công việc, khẩn thiết và bức bách hàng đầu bắt bụôc phải có đối với các tổ chức, đoàn thể chính trị và tôn giáo thông qua một đại hội hiệp thương để hình thành tổ chức lãnh đạo cao nhất.
Thử tưởng tượng nếu như có một biến cố tự phát như ở Bắc giang vừa qua lặp lại thì lực lượng nào sẽ có vai trò đảm nhận sự lãnh đạo để hiệu triệu và nhân rộng phong trào tương tự như vụ cái chết của Mohamed Bouazizi, một thanh niên 26 tuổi, đã tự kết thúc cuộc sống bế tắc của mình trong ngọn lửa tự thiêu ngày 17/12/2010 ở Tunisia?
5. Chưa phân biệt rõ nhiệm vụ và chức năng giữa truyền thông của các bên
Một điểm nữa cũng cần phải lưu ý, đó là cần phải có quan niệm và sự rạch ròi về trách nhiệm giữa các nhà báo, các bloggers hay các trang mạng báo chí họ chỉ thu thập, viết lách hay sáng tác ra các bài viết, các tác phẩm phản ảnh quan điểm cá nhân để đăng trên các trang Web hay các blog cá nhân của họ. Còn chuyện mang các thông tin đó để tuyên truyền đến với quần chúng nhân dân trong nước dưới các hình thức khác nhau là hoàn toàn trách nhiệm của các tổ chức chính trị hoàn toàn phải chủ động, đây là một công việc quan trọng không được xem thường, vì không nếu như vậy sẽ dẫn đến chuyện vừa thừa lại vừa thiếu hay dẫm chân lẫn nhau.
Kết:
Do buộc phải mở cửa để hòa nhập với cộng đồng quốc tế nhằm phát triển kinh tế nên chuyện đảng và nhà nước Việt nam buộc phải cải cách về mọi mặt, kể cả về chính trị là chuyện đương nhiên không thể tránh khỏi. Thử nhìn lại sau 25 năm đổi mới thì chính trị Việt nam đã có những bước tiến rất nhanh và dài hơn cả những gì các tổ chức hội đoàn chính trị trong và ngoài nước đã làm được. Chỉ khi những lãnh tụ của các phong trào xuống đường là con em chính các vị chỉ huy quân đội thì mới tránh được đổ máu, vì không ai họ ra lệnh bắn vào đoàn biểu tình mà người cầm đầu là người thân của họ. Quy lụât chung của các cuộc cách mạng màu sắc trên thế giới cho thấy rằng nó chỉ thành công khi quân đội không nổ súng vào đoàn biểu tình theo lệnh của chính phủ, điều đó cũng có nghĩa là lãnh tụ của phong trào này nếu có ở Việt nam thì bắt buộc phải là một nhân vật có tên tuổi ở trong nước chứ không thể là một đại diện của hội đoàn chính trị ở Hải ngoại.Vì phải như thế thì súng mới không nổ, mới không có đổ máu và cách mạng mới thành công được.
Một Mặt trận liên minh đoàn kết dân tộc do chính các nhân vật có tên tuổi trong giới lãnh đạo cũ của chính quyền Việt nam hay những nhân vật có tên tuổi có tư tưởng cấp tiến như Nguyễn Văn An, Vũ Khoan, Lê Mai, Nguyễn Quang A, Cù Huy Hà Vũ v.v... để đoàn kết và thu hút quần chúng người Việt nam trong và ngoài nước xây dựng trên cơ sở hoà giải và hoà hợp dân tộc, xoá bỏ hận thù, bỏ đi hay gác lại quan niệm phế cờ đỏ để khôi phục lại cờ vàng mới đủ đẻ tập hợp lực lượng và có khả năng đối trọng với đảng CSVN hiện nay.
Các tổ chức và cá nhân thuộc lực lượng dân chủ nói chung, nhất là lực lượng ở hải ngoại nói riêng còn rất ít kinh nghiệm, thiếu thông tin thực tế ở trong nước dẫn tới thua kém họ (đảng CSVN) toàn diện về mọi mặt, trên mọi phương diện thì ít ra phải biết dùng cái đầu để tìm ra kế sách thích hợp thay cho cái mồm chuyên dùng cách tuyên truyền nặng về kêu gào và tự sướng thì khó mà đạt được thắng lợi như mong muốn. Quan trọng nhất là phải biết tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân thì mới có thể hy vọng giành được thắng lợi.
Cái đó mới là then chốt của sự thắng lợi!
No comments:
Post a Comment